Khi mới lần đầu nghe tới khái niệm “bàn phím cơ”, mình thắc mắc: chẳng phải bàn phìm chúng ta đang xài đều là bàn phím cơ hết hay sao, có cái nào là “bàn phím quang” hay “bàn phím điện tử” đâu. Thử tìm hiểu 1 chút thì ấn tượng đầu tiên là giá: trời ơi sao nó đắt khủng khiếp. Chắc là do mấy thằng cha marketing bày ra mấy cái khái niệm thời thượng (buzz word) để lòe những tay thích chạy theo trào lưu chăng?
Rồi đọc 1 đống review trên mạng thì có vẻ như bàn phím cơ thực sự mang lại cảm giác gõ phím khác biệt. Những ai đã sử dụng thì đều cực kỳ hài lòng. Và có 1 câu của 1 thành viên vozer làm mình cực kỳ ấn tượng: dù là chiếc bàn phím cơ Tàu rẻ nhất cũng khác biệt 1 trời 1 vực so với bàn phím thường loại đắt tiền.
Rồi mình thử 1 chiếc bàn phím cơ của Tàu loại rẻ tiền, hiệu Fulhen. Rẻ nhưng cũng tầm 800k gì đó. Đúng là cảm giác gõ khác hẳn. Phím gõ nhẹ, nảy lên nhanh (gọi là phản hồi tốt). Trước đây gõ bàn phím thường, nhất là bàn phím laptop, nhiều khi bị đau mỏi khớp ngón tay, nhưng với bàn phím cơ thì điều đó không còn nữa.
Nhưng bàn phím thường thì hơi to, nên giờ mình sử dụng 1 cái Keychron K6. Bàn phím rất gọn nên thậm chí có thể mang theo trong balo. Ngoài ra, nó có kết nối Bluetooth nên không cần dây cáp, cũng không cần USB receiver.
Để đạt được kiểu dáng gọn nhẹ, layout của bàn phím được thiết kế lại tương tự layout bàn phím laptop. Các phím Pgup, Pgdn được gom vào 1 hàng dọc. Điều này khá bất tiện cho việc điều hướng. Nhưng ngược lại, trong cái rủi có cái may, điều này khiến mình sử dụng VIM keybinding nhiều hơn để di chuyển thay vì sử dụng các phím mũi tên hay Pgup, Pgdn, Home, End. Từ đây mình học được thêm nhiều tổ hợp phím của VIM khiến việc di chuyển bằng bàn phím cực kỳ nhanh chóng và thoải mái.
Nói chung bàn phím cơ là thứ rất đáng để đầu tư, dù thoạt đầu có vẻ giá hơi cao nhưng nó thực sự rất đáng đồng tiền.