Nho xanh

Phàm ở đời, “hơn người thì người ghét, kém người thì người khinh”.

Quê tôi vốn là vùng thuần nông, đại đa số các gia đình đều làm nông nghiệp. Việc trồng lúa, sau khi thu hoạch về thì phải có công đoạn tách hạt thóc ra khỏi cây lúa. Từ xa xưa, dân quê tôi (và các nơi khác) thường rải lúa ra sân, rồi dùng vật nặng (thường là hòn đá hình trụ) kéo khắp lượt để thóc rụng xuống dưới. Lúc này thóc đã tách khỏi rơm, người nông dân mới lấy đi lớp rơm bên trên, đem thóc đi phơi, rồi sàng sẩy (để loại bỏ bụi rơm còn bám lại). Công việc rất chi là vất vả, cực nhọc.

Tự dưng khoảng năm 199x, quê tôi bắt đầu xuất hiện máy tuốt lúa. Loại máy này chỉ cần bỏ lúa vào 1 đầu, máy sẽ đập để thóc rơi ra 1 đằng, rơm bay ra 1 nẻo, thậm chí thành đống rơm luôn. Nhanh gọn và nhẹ nhàng, chỉ phải trả tiền dịch vụ cho ông chủ cái máy đó (họ kéo máy đến tận nhà mình để làm). Một thời gian ngắn sau, rất nhiều người dùng máy tuốt lúa và từ bỏ cách kéo đá truyền thống. Chỉ còn một số người vẫn giữ cách cũ, đa phần là những người nghèo không muốn bỏ tiền thuê dịch vụ tuốt lúa kia. Đương nhiên, nếu nghèo thì người ta cần phải tính toán nên chi tiêu đồng tiền của mình cho việc gì tốt nhất. Và họ thấy rằng họ chấp nhận cực khổ tí xíu để kéo đá thì đỡ được ít tiền, dùng để dành cho việc khác. Đó là điều tốt, vì họ biết tính toán và chi tiêu có trách nhiệm với đồng tiền của mình. Và họ chấp nhận cực khổ để dành tiền cho những việc cần thiết hơn chứ không chỉ nhăm nhăm sướng cái thân 1 lúc để khi hữu sự lại không biết bấu víu vào đâu. Nếu câu chuyện chỉ dừng ở đây thì mọi chuyện đều tốt đẹp.

Vấn đề là những người đó, khi không có điều kiện để dùng dịch vụ tuốt lúa, thì lại quay qua chê bai rằng tuốt lúa không tốt bằng kéo đá. Rằng rơm hay bị dập (rơm chỉ dùng để đun bếp hoặc cho trâu bò ăn, trong trường hợp lười đưa trâu bò đi ăn cỏ tươi). Và, vui hơn nữa là, sau vài năm, khi đời sống của mọi người đều cao hơn, và giá dịch vụ tuốt lúa hạ xuống, thì tất cả mọi người, bao gồm cả những người ngày xưa chê bai, đều dùng máy tuốt lúa chứ không vất vả kéo đá nữa. Quên tôi chưa nói, sau chừng đó năm, tỉ lệ rơm bị dập nát do máy tuốt lúa không hề giảm J.

Những chuyện tương tự cũng rất nhiều. Khi có nồi cơm điện thì họ lại chê cơm nấu bằng nồi cơm điện không ngon bằng nấu bếp rạ. Rồi cày máy không tốt bằng cày trâu. Đến khi họ có đủ điều kiện để mua nồi cơm điện, để bỏ con trâu mà thuê máy cày, thì chẳng thấy ai chê nữa. Nồi cơm điện hay máy cày đâu có tốt hơn ngày xưa?

Ở mức trừu tượng hơn, người ta hay nghĩ rằng bọn giàu thì nó phải bất hạnh, nhất định phải bất hạnh vì 1 lý do nào đó. Cóc biết là lý do gì, nhưng nhất định có, vì có thứ này thì phải mất thứ kia mới là công bằng ở đời. Nghèo thì phải hạnh phúc, còn giàu thì dứt khoát bất hạnh, hoặc thiệt thòi :D. Thực ra, quan niệm có thứ này thì phải mất thứ kia là đúng ở 1 khía cạnh khác, nhưng không ở nghĩa như thế, mà là: nếu bỏ công sức, chấp nhận cực khổ, làm việc miệt mài chăm chỉ, thì sẽ được bù đắp bằng giàu có. Để giàu có, người ta đã phải chấp nhận đánh mất thời gian ngủ/vui chơi rồi, còn hạnh phúc hay may mắn không liên quan gì ở đây.

Bản thân tôi ngày xưa cũng hay mắc phải tật đó. Rất mừng là càng lớn, tôi càng trưởng thành và tôi hầu như không còn tư duy AQ đó nữa.

Câu chuyện con cáo và chùm nho là 1 câu chuyện rất xưa:

Ngày xưa, có một con Cáo hay lảng vảng gần trang trại cua những người nông dân.

Một hôm, nó phát hiện ra một vườn nho với đầy những chùm quả tím thẫm, chín mọng ở trên cao.

Cáo liếm mép thèm thuồng nhìn những chùm nho và cẩn thận ngó quanh xem có bác nông dân nào không.

Chùm nho cao quá nó lấy đà nhả lên… Nhưng Cáo đã vồ trượt.

Cáo lùi lại mấy bước và lấy hết sức bình sinh nhảy lên một lần nữa. Nhưng chùm no ở quá cao, nó không tài nào với tới được.

Cáo lại không muốn bổ cuộc, nó tiếp tục nhảy đi nhảy lại quanh chùm nho cho tới khi chân mỏi nhừ.

Cuối cùng, không còn cách nào khác, nó đành chịu thua chùm nho.

Cáo quay đầu bỏ đi và tự nhủ:

– Thực ra mình đâu có thích ăn nho. Với lại, chắc chắn là chùm nho đó chưa chín. Chua thế thì làm sao ăn được.

Con cáo vốn biết rất rõ rằng nho đã chín, muốn ăn lắm nhưng không ăn được, đành bỏ đi, và tự an ủi mình rằng nho còn xanh. Các bạn, nếu đã ngồi trên dàn nho, hãy bỏ ngoài tai lời của con cáo, vươn nhẹ tay bứt lấy những trái nho chín mọng và thưởng thức vị ngọt từ những trái nho.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *