Chết là ngừng cuộc sống sinh học.
Trước đây, người ta xác định thời gian chết là lúc tim và phổi ngừng hoạt động.
Sau đó, với tiến bộ của kĩ thuật hồi sức tim phổi, người ta có thể hồi sinh lại những người mà tim và phổi đã ngưng hoạt động. Và một người chỉ được xác định là chết khi não ngừng hoạt động, ngừng phát ra xung điện.
Vậy chết là hết, là ngừng tư duy, ngưng nhận biết. Chết – mọi buồn vui sẽ biến mất.
Vậy con người ta cứ đi tìm sự sống sau cái chết mà làm gì? Các tôn giáo đều vẽ lên 1 viễn cảnh về thiên đường, niết bàn … và nói rằng nơi đó là 1 nơi ngập tràn hạnh phúc. Khi não người ta còn nhận thức được thì sẽ còn có đủ vui và buồn, hạnh phúc và bất hạnh, ngọt ngào và cay đắng, chứ làm gì có cái chỗ gọi là thiên đường nơi mà người ta vẫn nhận thức nhưng lại chỉ có một cảm giác là hạnh phúc được. Còn niết bàn ư? Phật giáo đã chủ trương diệt dục, dẹp bỏ mọi hỉ nộ ái ố, thì lên niết bàn làm gì, không vui, không buồn, có khác gì chết vô tri vô giác đâu.
Vậy chết là hết, là ngừng tư duy, ngưng nhận biết. Chết – mọi buồn vui sẽ biến mất.
Cuộc sống thật mong manh. Tai nạn giao thông có thể lấy đi sinh mạng người ta bất cứ lúc nào. Ngay ngày mai, tôi và bạn có thể sẽ rơi vào trạng thái vô tri vô giác đó. Vậy tại sao phải lo lắng, phải buồn, vì bất cứ lý do gì khi mà có thể ngày mai những thứ đó trở thành vô nghĩa.
Chết là được yên nghỉ. Đôi khi chết là hạnh phúc, là nhân đạo. Với những người biết bệnh tật của mình không thể cứu chữa được, thì được chết sớm là 1 sự giải thoát, là nguyện vọng chính đáng của họ. Vì thế những nước như Hà Lan và Tây Ban Nha đã chấp nhận “cái chết êm ái”.
Chết là 1 sự chấm dứt, không phải là 1 sự khởi đầu mới. Nhưng chấm dứt lo âu, chấm dứt muộn phiền, chấm dứt đau khổ… thì cũng tốt.
Hồi nhỏ khi đạp xe đi học, tôi thường đi qua 1 nghĩa trang của người công giáo. Trên mộ thường có thêm chữ RIP. Nhiều năm sau tôi mới hiểu RIP có nghĩa là “Rest In Peace” – yên nghỉ trong thanh bình. Hay như người ta vẫn gọi là thanh thản, sự thanh thản vĩnh hằng.
Tối hôm qua, bà đã được thanh thản, bà nhỉ.