Về mặt pháp lý, ngày 30/4/1975 và cả những tháng ngày sau đó trong cả năm 1975 chưa phải là ngày thống nhất đất nước. Đây là ngày chuyển giao chính quyền trong nội bộ miền Nam Việt Nam, giữa 2 lực lượng thuần túy miền Nam: từ Việt Nam Cộng Hòa sang Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đây gọi tắt là Mặt trận). Sau đó, Mặt trận thành lập nhà nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (thủ đô tại Sài gòn, do ông Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu), quản lý lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào. Từ vĩ tuyến 17 trở ra vẫn do nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (thủ đô tại Hà Nội, do ông Tôn Đức Thắng đứng đầu) kiểm soát.
Cần nói thêm, danh từ Việt Cộng thường được dùng để chỉ lực lượng cộng sản tại riêng Miền Nam (tức là Mặt trận), chứ không phải toàn bộ cộng sản tại Việt nam (bao gồm Bắc Việt) như 1 số người hiểu lầm sau này.
Trước đó, trong suốt quá trình giao tranh, quân giải phóng chiến đấu dưới danh nghĩa là lực lượng của Mặt trận, dưới là cờ nửa xanh nửa đỏ, chứ không phải dưới danh nghĩa quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau đây gọi là Bắc Việt cho gọn và dễ phân biệt) với lá cờ đỏ sao vàng.
Ông Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng Mặt trận, chứ không phải đầu hàng Bắc Việt (dù bản thân tuyên bố đầu hàng là do nhóm bộ đội của Bắc Việt soạn thảo, và tuyên bố chấp nhận đầu hàng cũng do 1 sĩ quan Bắc Việt soạn thảo và đọc). Lá cờ cắm trên dinh độc lập cũng là cờ Mặt trận, không phải cờ đỏ sao vàng Bắc Việt. Tất cả các đơn vị của quân giải phóng đều dùng cờ Mặt trận (nửa đỏ nửa xanh), không dùng cờ Bắc Việt.
Việc sắp xếp này có liên quan tới quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, mặc dù hiệp định Paris đã công nhận tính thống nhất của toàn bộ 2 miền Nam-Bắc Việt Nam.
Sau đó 1 năm, tới năm 1976 (cụ thể là ngày 25/4, một ngày rất đẹp 🙂 ), thì 2 nước Nam – Bắc Việt mới tổ chức tổng tuyển cử, đất nước thống nhất.