Nhân Netflix bắt đầu chiếu Mắt Biếc, mình coi thử.
Chất lượng cảnh quay nói chung là tốt. Thể hiện đúng khung cảnh ngày xưa, kể cả nơi phố thị.
Có điều, thành phố Huế gì mà toàn người nói giọng miền Nam. Tuy nhiên điều này cũng không quan trọng lắm.
Mắt Biếc được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt. Tuy nhiên mình thấy cũng chỉ ở mức trung bình khá.
Trong đó, diễn biến tâm lý của nhân vật Hà Lan có gì đó không được tự nhiên.
Ngạn thì là 1 anh chàng ù lỳ. Dẫu là tốt bụng, nhưng không hấp dẫn.
Đáng chú ý là Trà Long. Cô dường như là phiên bản sửa lỗi của mẹ cô. Mang sắc đẹp của mẹ và tình yêu quê hương như Ngạn, cô tỏ ý yêu Ngạn nhưng anh chàng (chú) Ngạn đã từ chối.
Và Ngạn ra đi. Hình ảnh kết phim này mang rất nhiều cảm xúc. Người yêu quê như Ngạn, người nói là “Đo Đo là tất cả đối với Ngạn”, đã phải cắn răng dứt áo ra đi, sau bao nhiêu năm trở về quê. Vì anh biết, nếu anh ở lại, anh sẽ làm khổ Trà Long.
Ở khía cạnh này, khía cạnh chấp nhận hi sinh để khỏi làm khổ người khác, chẳng phải Hà Lan từ chối Ngạn (sau khi đã sinh Trà Long) là vì không muốn làm Ngạn khổ hay sao? Vì cô tin rằng mình không xứng với Ngạn, nên chỉ muốn làm bạn và luôn né tránh tình cảm của Ngạn.
Cả Hồng nữa, Hồng cũng đợi Ngạn mười mấy năm, để rồi cũng quyết định phải ra đi, nhưng không phải sợ Ngạn khổ, mà vì không để mình phải khổ thêm nữa.
Bi kịch có lẽ xuất phát từ việc Hà Lan đã quá cố chấp khi tự dằn vặt bản thân quá nhiều về việc có thai với Dũng nên không còn xứng đáng với Ngạn. Phải chi Hà Lan tự tha thứ cho mình, thì biết bao người đỡ khổ.
Tha thứ, luôn luôn là việc khó. Tự tha thứ cho bản thân đôi khi lại càng khó gấp bội.