Không tính trong lĩnh vực showbiz, có lẽ người được PR thành công nhất VN là Lê Bá Khánh Trình.
Trình vốn là học sinh chuyên toán trường quốc học Huế, một trường thuộc loại khá về thành tích nhưng xứng đáng đạt loại xuất sắc về thương hiêu. Nếu tính tỉ lệ học sinh đỗ đại học, theo số liệu mới nhất 2012, Quốc học Huế đứng thứ 22, thua tất cả các trường chuyên của Hà Nội, Sài Gòn, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Bình, Hải Phòng, Đồng Nai… Trường cũng có vài học sinh đã từng đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, nhưng số lượng thấp hơn nhiều so với các trường chuyên khác. Tuy nhiên trường lại là nơi mà Nguyễn Tất Thành, Ngô Đình Diệm, Trần Phú, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… từng mài đít quần thời niên thiếu. Những tay trên, có ai là nhà khoa học không nhỉ?
Năm 1979, Trình đi thi Olympic toán quốc tế (IMO). Và đoạt huy chương vàng với điểm tuyệt đối. Không thể phủ nhận đây là 1 thành tích rất tốt đối với 1 học sinh chuyên toán. Có thể coi là xuất sắc. Nhưng rất nhiều người xuất sắc như thế, và hơn thế. Các học sinh VN từng đạt điểm tuyệt đối IMO tính đến nay gồm: Lê Bá Khánh Trình (1979), Lê Tự Quốc Thắng (1982), Đàm Thanh Sơn (1984), Ngô Bảo Châu (1988), Đinh Tiến Cường (1989), Ngô Đắc Tuấn (1995), Đỗ Quốc Anh (1997), Lê Hùng Việt Bảo, Nguyễn Trọng Cảnh (2003) (tên in đậm là học sinh đã giành được 2 HCV). Có ai trong số trên được nhắc tới như điển hình của học sinh giỏi toán không? Ngô Bảo Châu cũng chỉ được biết đến 2 năm gần đây, khi lọt vào top ten của Time và đoạt Field.
Xét về độ nổi tiếng, với công chúng (đặc biệt là phía nam) chắc chắn Trình nổi hơn Đàm Thanh Sơn, thậm chí cả Ngô Bảo Châu khi Châu chưa đoạt Field. Nhưng với những ai thực sự quan tâm đến toán thì đều biết tầm của Sơn và Châu cao hơn Trình rất nhiều bậc. Châu thì giờ quá rõ rồi. Còn Sơn, hiện đang là giáo sư Đại học Chicago, có khá nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ thế giới (về vật lý, he he, tay này không đi theo toán nữa), trong đó có công trình được đánh giá rất cao về độ nhớt của lỗ đen. Mấy tay nhà báo tự sướng còn mong chờ Sơn được Nobel vật lý.
Về những người làm toán ở trong nước, các giáo sư Hoàng Tụy và GS Ngô Việt Trung là những người có nhiều công trình khoa học (về toán) đăng trên các tạp chí quốc tế và được thế giới thừa nhận. Học sinh chuyên toán, đa số đều biết đến 2 vị này. Với đa số quần chúng, Trung và Tụy là 2 cái tên lạ hoắc, so sao được với “cậu bé vàng của toán học Việt Nam”. Với thế giới, 2 vị trên ít nhiều được biết đến, còn Trình, he he, who is he?
Một cuộc thi, ngoài các giải chính thì còn có 1 vài giải phụ. Ví dụ thi hoa hậu thì thế nào cũng có giải thí sinh mặc áo dài đẹp nhất, thì sinh có phần ứng xử xuất sắc nhất… Bóng đá thì ngoài việc vô địch hay á quân còn có giải đội fair play nhất… Một công ty chia làm 5 đội chơi trò chơi thì ngoài giải nhất nhì ba còn thêm vài giải linh tinh như “ấn tượng nhất”, “sáng tạo nhất”… để trao cho 2 đội còn lại. Những giải này chỉ là giải phụ, hoặc là 1 kiểu khuyến khích (nhưng không gọi là giải khuyến khích). IMO, tất nhiên, cũng có giải phụ. Đó là giải cho thí sinh có lời giải ngắn gọn và thông minh cho 1 bài toán cụ thể. Nếu 1 học sinh chỉ giải được 1 bài toán, với cách giải thông minh sáng tạo, sẽ được 7/42 điểm, sẽ không đoạt huy chương, nhưng sẽ đoạt giải phụ này. Giải này không tính vào thành tích đoàn (phụ mà). Nhưng ở ta thì không thể hiểu như vậy, gọi giải phụ không oai tí nào. Vậy thì gọi nó là giải Đặc biệt. Hoành tráng chưa? Thí sinh Lê Bá Khánh Trình đoạt huy chương vàng và đoạt luôn giải đặc biệt của cuộc thi. Quần chúng cần lao, vốn suốt ngày xổ số với lô đề, liên hệ ngay rằng xổ số kiến thiết có giải nhất là 100 triệu nhưng giải đặc biệt là 1,5 tỉ, thì cái giải đặc biệt kia phải danh giá gấp chục lần giải nhất, he he.
Thành tích thi cử thì đứng cùng 8 đồng chí khác, thành tích khoa học thì gần như là zero, thành tích về giảng dạy thì được hơn 30 đứng trên bục giảng, cần mẫn như 1 ông đồ, he he. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao Trình lại nổi tiếng như thế?
Câu hỏi này không có đáp án chính xác. Từ hồi bắt đầu vào SG học đại học, khi biết đến niềm ngưỡng mộ Lê Bá Khánh Trình của bạn bè, tôi đã cố tìm 1 lời giải thích. Giả thuyết của tôi khi đó là có lẽ nơi nào ít tài năng toán học, khi có thằng đạt tí thành tích thì nó sẽ nghiễm nhiên thành thánh sống. Gần đây, tôi đọc được 1 lời giải thích của 1 bạn khác, rằng Trình học trong nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, sau khi đất nước thống nhất thì nằm trong đội tuyển toán. Vậy nên được chọn như 1 biểu tượng của đoàn kết dân tộc.
Trong bài viết này, đồng chí Dũng, GS Toán ĐH Toulouse bảo rằng:
Có một số người được “dư luận quần chúng” cho là những nhà toán học tiêu biểu nhất VN nhưng lại có đóng góp khoa học ít hơn những người khác.
Có người trình độ “làng nhàng” nhưng báo chí luôn nhắc đến, bởi ngày trước có thành tích cao khi thi HS giỏi toán quốc tế.
Ý thứ nhất, là nói về GS Nguyễn Cảnh Toàn.
Ý thứ 2, hẳn bạn đã đoán được, he he.
Điều cuối cùng tôi muốn nói, tôi thấy Lê Bá Khánh Trình (hoặc thầy Trình, nếu bạn từng học ông này) là người khiêm tốn. Ông không khoe khoang hay ảo tưởng về thành tích của mình. Chỉ có “quần chúng nhân dân”, dưới ánh sáng soi đường của “báo chí cách mạng”, kết hợp với lòng thèm khát 1 tài năng toán học “của mình”, đã đẩy ông lên vị trí thực sự không phải của ông. Ông vẫn sống bình lặng và cống hiến với tư cách 1 nhà giáo. Và hào quang của ông, nhưng lại chẳng phải của ông, vẫn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ học sinh sau này.