Vài ngày trước, tôi có đọc 1 bài viết mang tựa đề “tiền Đồng đi về đâu?” của tác giả Trần Đông Chấn. Bài viết đi tìm nguyên nhân của lạm phát, của việc tiền Đồng mất giá … và có nhiều điểm ám chỉ rằng nguyên nhân của thực trạng vừa qua là do các quỹ đầu tư tài chính nước ngoài thao túng, và chính phủ đã yếu kém nên bị các quỹ này lợi dụng trong việc thao túng thị trường của mình. Khi đọc xong tôi có 1 số điểm không bằng lòng về cách lập luận (mà theo tôi là) võ đoán của tác giả. Hôm nay tôi lại nhận được 1 email của 1 người bạn gửi với nội dung là bài viết nêu trên và thấy rằng cần nêu quan điểm của mình, để các bạn cùng bàn luận. Có lẽ hầu hết người trong friend list của tôi đều là dân kiểm toán / kế toán / tài chính / ngân hàng/ chứng khoán… là những người hiểu rõ vấn đề này nên tôi hi vọng sẽ nhận được những phê bình cho bài viết mang tính chủ quan của mình.
Tác giả cho rằng ngân hàng nhà nước đã phát hành một lượng tiền lớn hơn tốc độ tăng trưởng GDP và lượng tiền dư thừa đang được ghìm giữ ở các quỹ đầu cơ của nước ngoài, chờ dịp sẽ “làm thịt” nền kinh tế VN. Việc tiền phát hành thêm (135%) lớn hơn tốc độ tăng trưởng tôi đã kiểm chứng và thấy đúng, nhưng việc tiền đó đang ở đâu thì còn cần xem xét lại. Theo lập luận của tác giả thì
“Người dân Việt Nam không có thói quen giữ tiền đồng làm dự trữ an toàn, trong tình hình lạm phát tăng nhanh thì biện pháp này lại càng không được lựa chọn. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì luôn trong tình trạng cần vốn, phải đi vay. Các ngân hàng thương mại không có lý do gì cầm giữ một lượng tiền đồng lớn mà không cho vay ra để phải gánh chịu lãi suất huy động trừ các khoản dự trữ bắt buộc. Khả năng duy nhất là một lượng lớn tiền đồng đang bị ghim giữ bởi các quỹ đầu cơ (hedge fund) buôn chứng khoán tại Việt Nam.”
Thứ nhất: Đúng ra tác giả cần phải viết là “người dân thành thị (mà cũng chỉ ở HN và HCM) Việt Nam không có thói quen giữ tiền đồng làm dự trữ an toàn. Người ở tỉnh khác vẫn chỉ có 1 kênh giữ tiền duy nhất: gửi tiết kiệm (hoặc cho người thân vay). Tôi tin rằng còn một số lượng lớn tiền vẫn được tích lũy ở trong dân.
Thứ hai: Tác giả sử dụng phương pháp loại suy để đưa đến kết luận. Tuy nhiên để đi đến kết luận được cho một vấn đề có n khả năng xảy ra thì trước tiên anh phải chứng minh được rằng n-1 khả năng là không thể. Ở đây tác giả chỉ nêu 4 kênh giữ tiền (người dân, doanh nghiệp, ngân hàng, quỹ đầu tư) trong khi có thể có những khả năng khác: tiền rót về các dự án của nhà nước nhưng chưa được triển khai, tiền tung ra thị trường để mua USD (nghĩa là lượng cung VND tăng nhưng lượng cung USD lại giảm), … Để rồi kết luận vội vã là do các quỹ đầu cơ.
Thứ ba: Các quỹ đầu tư tài chính họ cũng mua bán bình đẳng như những người tham gia thị trường khác. Với lợi thế về nguồn lực dồi dào, họ có thể tung ra 1 lượng lớn tiền mua vào CK để đẩy giá CK lên cao, nhưng đó không phải là thao túng thị trường. Toàn bộ các trường hợp có hành vi thao túng thị trường đều là của các đại gia VN, khi họ mở nhiêu tài khoản rồi tự bán cho mình. Họ tìm mọi cách để tạo cung/ cầu ảo, trong khi các quỹ nước ngoài nếu có mua/bán thì đó là cầu/cung thật. Và họ cũng chịu những rủi ro như những nhà đầu tư khác. Thậm chí có nhiều khuyến cáo từ các báo cáo từ tổ chức này rằng giá chứng khoán đang bị đẩy xa với giá trị thực. Nếu họ thực sự muốn (và có khả năng) “thôn tính” nền kinh tế VN, họ sẽ không đánh động các nhà đầu tư của chúng ta, vốn đang hăng máu, sục sôi với những “chấm”, “kịch trần”…
Thứ tư: Một điều hiển nhiên ai cũng thấy rằng tiền của người dân, doanh nghiệp đã được ném vào các tài khoản của chính họ tại các công ty chứng khoán. Sau khi vào đây, rõ ràng với lượng cung tiền nhiều và lượng cung chứng khoán ít nên “lạm phát” trong giá chứng khoán lên rất cao (nhiều chứng khoáng tăng 10 “chấm”, tức 1000%). Vấn đề là trong cách tính lạm phát hiện nay, người ta sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong đó tính toán sự tăng giá của các nhóm mặt hàng trên thị trường, và các nhóm mặt hàng này lại không bao gồm chứng khoán. Giả sử CPI bao gồm chỉ số tăng chứng khoán thì có lẽ chỉ số lạm phát cũng trên 135% và tác giả Trần Đông Chấn sẽ chẳng thể đổ tội cho các quỹ đầu tư.
Về các chỉ trích SCIC, tôi đồng tính với ý kiến của tác giả cho rằng SCIC nên bán CP trong khi giá quá cao, tuy nhiên tôi phản đối ý kiến cho rằng hành động mua vào để cứu thị trường là vô nghĩa. Ít ra nó cũng tạm thời giúp tốc độ giảm giá CK chậm lại.
“Tổng công ty SCIC dễ dàng tuôn ra 5 ngàn tỷ đồng để gọi là “cứu” chứng khoán nhưng thực tế là giúp cho những con thú điện tử bán ra những cổ phiếu sắp chết để mua vào những cổ phiếu có tiềm năng thực với giá rẻ mạt, chuẩn bị cho một sự thâu tóm.”
Thực tế là nó cũng giúp người dân bán ra những cổ phiếu sắp chết và mua vào các cổ phiếu tiềm năng. Hơn nữa, rất nhiều cổ phiếu các quỹ nắm giữ là cổ phiếu dạng chiến lược, và họ không được quyền bán trong một khoảng thời gian nhất định (2 năm chẳng hạn). Rõ ràng luận điểm trên của tác giả là rất võ đoán.
Trong đoạn sau, tác giả cũng có nhìn nhận là tiền đã được đổ vào TTCK nhưng lại một lần nữa đi đến kết luận mà không có bất cứ luận chứng thuyết phục nào, rằng tiền đã trở lại các quỹ với giá trị tăng gấp nhiều lần.
Về tỉ giá, tác giả cho rằng do tiền Đồng mất giá, NHNN kiềm chế lạm phát bằng chính sách tăng giá VND so với USD (tức làm mạnh VND). Tác giả quy kết rằng v
iệc này là do “Đầu tháng 3/2008 ngân hàng Nhà nước mới yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc lên thêm 1% (tương đương khoảng 10 ngàn tỷ đồng) và phát hành tín phiếu bắt buộc trị giá 20,3 ngàn tỷ đồng;”
Thực tế, tỉ giá giảm là do kiều hối đổ về, đầu tư nước ngoài tăng (20 tỷ USD nếu tôi nhớ không lầm) và các quỹ đang đổi USD sang VND chuẩn bị cho các đợt IPO của các doanh nghiệp nhà nước. Còn các biện pháp trên của NHNN đúng là để kiềm chế lạm phát, nhưng tác dụng giảm lạm phát của nó là ở chỗ giảm cung tiền đồng chứ không phải làm mạnh tiền Đồng trong quan hệ tỉ giá (mặc dù giải pháp đó góp phần đẩy tỉ giá xuống thấp).
Trong đoạn sau đó, như một phần giải pháp, tác giả khuyên rằng:
“Không thể điều hành vĩ mô một nền kinh tế thị trường thành công bằng bàn tay hữu hình của chính phủ, vì kinh tế thị trường vốn được vận hành theo qui luật của bàn tay vô hình – cách mà các nhà kinh tế học gọi tên một cơ chế thúc đẩy sự vận động kinh tế thông qua việc tác động vào động lực con người. Thật tiếc là các thế lực bên ngoài đã áp dụng cách này thật nhuần nhuyễn ở Việt Nam.”
Ô hô, lý thuyết bàn tay vô hình bị đứt phừn phựt từ khủng hoảng kinh tế những năm 30 của thế kỷ trước rồi. Bây giờ mô hình là phải có điều tiết của nhà nước (đương nhiên là qua các công cụ tài chính chứ không phải bằng biện pháp hành chính như ở VN). Nếu cứ theo cái thuyết bàn tay vô hình thì chắc giờ này nhiều người nghèo đã chết đói vì không có tiền mua gạo trong đợt sốt vừa rồi, vì chính phủ sẽ đặt nguyên tắc bàn tay vô hình lên trên sinh mạng người dân, và chẳng can thiệp gì cả.
Một điều nữa là những phân tích của tác giả, cũng giống như rất nhiều những bài viết khác hiện nay, đều là Hindsight bias. Đây có thể coi là 1 lỗi logic: kết quả đã biết trước (vì sự kiện ở trong quá khứ) và mọi phân tích đều chỉ tập trung vào những nguyên nhân gây ra kết quả đó. Thực tế tại thời điểm trước khi sự việc xảy ra, có vô vàn những yếu tố tác động trái chiều nhau và chẳng ai (kể cả thầy bói, chiêm tinh… chứ đừng nói các quỹ đầu tư) có thể dự đoán được giá chứng khoán tăng hay giảm trong thời gian tới, tỉ giá USD biến động thế nào.
Nói túm lại, bài viết cung cấp khá nhiều thông tin nhưng các lập luận khá gượng ép để hướng người đọc đi đến cái đích có thể đoán trước. “Có một Con đường như vậy.” Các bạn đọc blog của tác giả sẽ thấy tất cả các bài viết đều liên quan đến chính trị, và bài viết này, tuy rằng về kinh tế, nhưng đoạn kết của nó rất đồng nhất với các bài viết khác trong blog tác giả.
T nha ta tro thanh chuyen gia tai chinh duoc roi do. Tại hạ bái phục, bái phục. Sorry vi khong du trinh do de binh luan. Tuy nhien mot so ly le bi T bac bo rat thuyet phuc nhu “ly thuyet ban tay vo hinh” chang han.