Tại sao chuẩn mực kế toán Việt Nam lại khác quốc tế

Nếu các bạn từng tìm hiểu qua chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS) thì sẽ thấy 1 điều rằng chuẩn mực quốc tế có một số điểm khác biệt so với chuẩn mực Việt Nam.Và điểm chung của các khác biệt đó là: các quy định của chuẩn mực quốc tế thường là linh động hơn và/hoặc hợp lý hơn.

Sở dĩ tôi nói “một số điểm khác biệt” vì đa số các quy định của VAS và VAS/IFRS là giống nhau. Điều này cũng dễ hiểu vì khi soạn thảo VAS người ta đã tham khảo rất kỹ IFRS, và có những chuẩn mực gần như là bản dịch của IAS/IFRS.

Thế thì nếu đã dịch, đã tham khảo thì sao không tham khảo cho toàn diện, sao lại còn đẻ ra những cái khác biệt làm chi cho mệt? Phải chăng cái đám soạn thảo ra VAS là những tên ngu, những kẻ quan liêu ngồi 1 chỗ mà đòi nghĩ ra quy định, khuôn khổ thực hiện cho những người tiếp xúc với thực tế sinh động??

Không, hoàn toàn không. Chuẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia gồm các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu về kế toán. Hội đồng soạn thảo, cố vấn còn có cả các chuyên gia từ 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (big4), các chuyên gia nước ngoài và giảng viên các trường ĐH hàng đầu VN như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM… Những người này nắm rất rõ IAS/IFRS có những gì, và việc đưa ra những quy định khác hẳn là phải có lý do.

Vậy lý do đó là gì? Chắc bạn cũng đoán được câu trả lời: do đặc thù của Việt Nam. Vâng, cái cụm từ “đặc thù của Việt Nam” thường làm ta liên tưởng đến sự bào chữa khi có vấn đề gì đó mà VN tỏ ra yếu kém so với thế giới, thế nhưng trong trường hợp này, quả là cần phải làm theo “đặc thù của Việt Nam”.

Đặc thù này là:

1. Có những thứ không thể áp dụng được tại thị trường Việt Nam. Ví dụ:

Chuẩn mực quốc tế thường yêu cầu một số khoản mục như TSCĐ, các khoản đầu tư… phải được đánh giá theo giá thị trường tại thời điểm lập báo cáo. Vì ở VN thì rất nhiều tài sản không có “active market” để xác định giá thị trường nên phải quy định phản ánh theo giá gốc để thuận lợi cho người làm kế toán (và tránh lợi dụng các ước tính kế toán để làm sai lạc báo cáo).

2. Ở VN, kế toán doanh nghiệp chỉ thực sự phát triển sau khi nhà nước mở cửa, cho phép kinh tế tư nhân (trước đó toàn DNNN với cơ quan hành chính). Do đó, nền kế toán VN còn khá non trẻ và trình độ của nhiều người làm công tác kế toán của VN chưa cao, việc quy định chi tiết, cụ thể (vd: quy định số hiệu tài khoản…) là phù hợp, vì nó giúp cho người có trình độ kế toán không cao lắm cũng có thể nắm bắt và thực hiện được.

Tôi tin chắc rằng ngay khi “điều kiện kĩ thuật cho phép”, nghĩa là nền kinh tế đã phát triển ở 1 mức độ nhất định, và trình độ người làm công tác kế toán đã được nâng cao, thì các chuẩn mực kế toán Việt Nam sẽ được cập nhật cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đó là xu hướng tất yếu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *