Nhạc cổ điển

Vâng, tôi thường mô tả trong các phần giới thiệu về bản thân là 1 người thích nhạc cổ điển. Tuy nhiên cần phải nói ngay để tránh hiểu lầm rằng tôi không phải là người sành về nhạc cổ điển lắm. Tôi thường chỉ nghe được những bài phổ biến và quen thuộc, còn những bài mới nghe thì không cảm được cái hay của nó. Ví như bản giao hưởng số 9 của Beethoven, được nhiều ý kiến đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất, mới nghe lần đầu thấy không hay như bản số 5 🙂

Trước đây tôi nghe nhiều nhất là sonata dành cho Piano, nhưng cũng hay nghe nhạc giao hưởng của nhạc trưởng vĩ đại Paul Mauriat. Mấy bài đó tương đối dễ nghe :).

Gần đây tôi nghe mấy bài nhạc cách mạng có phần nhạc được thể hiện bởi các dàn nhạc giao hưởng, tạo không khí hùng tráng, trang trọng khác hẳn. Tự dưng tôi có nhu cầu tìm hiểu thêm. Và thế là bắt đầu.

Bài trước tiên tôi thử là bản “Quê hương” (Hay bản giao hưởng số 1) của Hoàng Việt. Đây cũng là bản giao hưởng đầu tiên của Việt Nam. Hoàng Việt viết bài này làm tác phẩm tốt nghiệp nhạc viện Sofia của Bulgaria và đã được giám đốc nhạc viện đánh giá là “1 tác phẩm lớn của Việt Nam… 1 tác phẩm thành công rực rỡ”. Tìm bài này không dễ, chỉ có 1 bản thu thanh của đài tiếng nói Việt Nam. Nhưng đây cũng là điểm hay, vì trong chương trình này bên cạnh tác phẩm người ta còn có lời bình, dẫn dắt cho tác phẩm, làm người nghe dễ cảm thụ hơn âm nhạc. Chợt nhớ hồi sinh viên có lần đi cùng mấy người bạn nghe (hay xem?) biểu diễn ở nhạc viện TPHCM, có biểu diễn tác phẩm Phiên chợ Ba Tư cũng có người dẫn dắt tác phẩm thế này. Điều này làm tôi liên tưởng tới 1 lời khuyên: trước khi nghe 1 bản giao hưởng nên tìm hiều xem nó viết về cái gì, tác giả là ai, sáng tác trong hoàn cảnh nào. Điều đó giúp cho chúng ta cảm nhận dễ dàng hơn, và trọn vẹn hơn.

Trở lại với bản giao hưởng Quê Hương, bản nhạc được viết dựa trên rất nhiều tác phẩm trước đó của Hoàng Việt và các tác giả khác, mô tả quá trình dân tộc VN từ cảnh thanh bình đến khi bị xâm lược, chiến đấu và chiến thắng quân thù. Vì đã quen với các tác phẩm “nền” kia nên khi nghe tác phẩm này tôi cũng khá hứng thú :).

Đọc thêm về bản Định Mệnh của Beethoven, và nghe tác phẩm này, thấy mô tả cũng …đúng đúng :).

Mặc dù 1 nhạc trưởng nổi tiếng khẳng định rằng nó không bác học nhưng quả thật giao hưởng khó cảm thụ. Vì thế tôi không hi vọng rằng mình có thể thấy hết cái hay của nó trong 1 thời gian ngắn. Chỉ hi vọng vài năm nữa khả năng cảm thụ cũng tàm tạm để khi cho con đi học Piano (vợ chồng tôi đều muốn con mình sẽ học Piano) thì còn ngồi bình luận với nó :).

Nhân dịp này tôi cũng download mấy bài như Phiên Chợ Ba Tư,  Định Mệnh, Bốn Mùa… về “luyện”. Hi vọng cái tai trâu của tôi có cải thiện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *