Bitcoin – Bài 1: Những điều báo chí viết sai về Bitcoin

Gần đây báo chí nói khá nhiều về bitcoin nhưng không đi vào chi tiết, khiến thông tin về Bitcoin thì có vẻ nhiều mà chẳng ai hiểu nó là cái gì. Đó cũng là động lực khiến mình viết (loạt) bài này.

Trước khi đi vào chi tiết kỹ thuật, mình mô tả qua về Bitcoin và những điều lầm tưởng về nó.

Bitcoin là tiền ảo với những đặc tính độc đáo. Trước tiên, nó là 1 hệ thống mạng ngang hàng, không có máy chủ. Mọi người đều có vai trò như nhau (nhưng máy có cấu hình mạnh hơn sẽ xử lý được nhiều hơn, sẽ nói ở phần sau). Bitcoin miner không phải là máy chủ. Nếu không có Bitcoin miner, hệ thống vẫn hoạt động bình thường vì chính chúng ta sẽ đóng vai trò miner. Tiền không được lưu trữ ở server (vì chẳng có server) mà lưu ở ngay máy tính cá nhân hoặc điện thoại của chúng ta.

Vì là mạng ngang hàng, không có máy chủ, nên nó không thể bị đánh sập, bị cấm cửa (về mặt kỹ thuật)….

Bitcoin không do 1 chính phủ hay công ty nào phát hành hoặc kiểm soát. Phát hành tiền và vận hành hệ thống là việc của tất cả những người tham gia, kể cả người dùng bình thường như bạn và tôi, tuân theo 1 thuật toán hết sức chặt chẽ. Tiền không thể phát hành tùy tiện (sẽ nói ở phần sau), và giao dịch được kiểm tra rất kỹ trước khi được chấp nhận (tất cả các máy trong mạng cùng góp sức để xác thực giao dịch).

Nhiều bài báo nói việc Bitcoin không được 1 chính phủ đứng ra phát hành là 1 nhược điểm của Bitcoin. Đây là quan điểm hết sức sai lầm. Theo họ, được chính phủ đứng ra “đảm bảo” thì sẽ an toàn hơn. Trong lý thuyết tài chính, nếu công cụ tài chính do 1 chính phủ phát hành thì có thể coi đó là công cụ không có rủi ro (risk free). Thực tế thì ngược lại. Tôi không tin sự đảm bảo của chính phủ Việt Nam đối với tiền đồng. Tôi thích dự trữ vàng và USD hơn VND, vì tôi mất niềm tin với cung cách điều hành tiền tệ của ngân hàng nhà nước rồi. Nếu bạn là dân Zimbabwe chắc bạn cũng không thích thú gì khi cầm đồng tiền bản xứ được chính phủ “đảm bảo” đó, khi mỗi sáng thức dậy nó lại giảm giá trị đi vài lần. Bitcoin sẽ không bị rơi vào tình trạng đó, vì nó mang tính chất của vàng (hoặc của tiền bản vị vàng) nhiều hơn của tiền (tiền pháp định).

Bitcoin không bị chính phủ kiểm soát không có nghĩa là nó không bị kiểm soát. Vấn đề là kiểm soát ở góc độ nào. Về góc độ minh bạch, chống gian lận, đảm bảo an toàn cho người dùng, thì giao dịch Bitcoin bị kiểm soát vô cùng ngặt nghèo bởi tất cả mọi người tham gia. Bất cứ 1 giao dịch nào không hợp lệ sẽ bị phát hiện và từ chối lập tức. Và bạn không cần phải tin bất cứ ai, mà chính máy tính của bạn sẽ thực hiện kiểm tra tính hợp lệ của giao dịch (sẽ trình bày ở bài sau nốt). Với giao dịch ngân hàng, bạn phải đặt niềm tin vào ngân hàng rằng “đời nào ngân hàng họ trừ tiền đối tác mà không chuyển cho mình”. Với Bitcoin, chương trình trên máy tính của bạn sẽ tự kiểm tra xem giao dịch có hợp lệ không, vì thế bạn không phải đặt niềm tin ở người khác mà chỉ tin chính mình thôi. Ngược lại, kiểm soát ở góc độ khống chế cung tiền để cho mục đích của 1 nhóm người (hay chính phủ) thì không thể thực hiện với Bitcoin. Nói chung, cái gì cần kiểm soát để an toàn và có lợi cho người dùng thì Bitcoin kiểm soát vô cùng chặt, còn kiểm soát có thể có hại cho người dùng thì Bitcoin không làm.

Một hiểu lầm nữa là giao dịch Bitcoin diễn ra bí mật. Trong khi nhiều bài báo nói toàn bộ giao dịch được lưu trong 1 file (gọi là ledger) và mỗi máy tính đều tải về 1 bản (và vì thế công khai) thì họ lại nói giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh, không tiết lộ thông tin người dùng, giống như tiền mặt. Nghe có vẻ mâu thuẫn. Thực tế, giao dịch Bitcoin hoàn toàn minh bạch, không thể giấu giếm và dễ dàng để truy vết luồng tiền. Cái bí mật chính là danh tính người dùng. Tài khoản Bitcoin không cần bạn khai báo bất cứ thông tin gì (không cần email, password, username, cmnd…). Vì vậy người ta có thể dễ dàng biết được tiền được chuyển từ tài khoản 001 đến tài khoản 050 nhưng không thể biết được ai sở hữu những tài khoản đó (và không biết ai chuyển tiền cho ai, về việc gì).

“TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, giá trị của đồng tiền chính là lòng tin, được đảm bảo bởi một ngân hàng Trung ương, một thể chế chính trị, một nền kinh tế nào đó”

Vâng, giá trị của 1 đồng tiền chính là lòng tin. Nhưng thay vì tin vào ngân hàng trung ương, thể chế chính trị… là những nơi tôi không chắc chắn có đáng tin hay không, thì tôi tin vào 1 thuật toán minh bạch và có thể kiểm chứng.

VTV có 1 phóng sự về Bitcoin, trong đó có nói:

Bitcoin là sản phẩm của 1 nhóm người còn chưa xác định được danh tính. Nó không được điều hành bởi bất kỳ 1 chính phủ hay 1 ngân hàng nào.

Vụ “không được điều hành bởi bất kỳ 1 chính phủ hay ngân hàng nào” là 1 lợi thế chứ không phải nhược điểm của Bitcoin, như tôi nói ở trên. Còn đề cập đến việc tác giả của nó (có nick Satoshi Nakamoto) vẫn còn chưa xác định được danh tính có lẽ VTV muốn ám chỉ Bitcoin có thể chưa đựng điều gì mờ ám, hay không an toàn vì bị Satoshi kiểm soát/giật dây.

Nếu các bạn đã xem phim The Social Network hẳn biết anh em nhà Winklevosses, là người có ý tưởng về mạng xã hội mà sau đó Mark Zuckerberg “chôm ý tưởng” để phát triển thành Facebook. Anh em này đã đầu tư khoảng 1 triệu USD vào Bitcoin từ khi nó chỉ có giá 9 USD (bây giờ là hơn 900 USD, tăng 100 lần). Khi được hỏi về việc Bitcoin được tạo ra bởi Satoshi, 1 nhân vật còn bí ẩn (đúng những gì VTV muốn đề cập), họ trả lời:

“We don’t need to know him because it’s based on … trust in cryptography, not trust in individual.”

Tạm dịch: Bọn tao cóc cần biết nó là ai, vì Bitcoin dựa trên niềm tin vào mật mã học chứ không phải dựa trên niềm tin vào 1 người cụ thể.

Quả thực, vai trò hiện giờ của Satoshi (và các core developer khác) cũng không khác gì những người dùng bình thường khác. Vì thế, không cần phải lo về Satoshi hoặc bất cứ tổ chức nào (vì chẳng có tổ chức nào đứng sau Bitcoin cả).

Kỳ tiếp theo mình sẽ nói về cách thức vận hành, xác thực giao dịch, bảo mật, đào mỏ … của Bitcoin.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *