Google

Tôi không thể tưởng tượng cuộc sống sẽ thế nào nếu 1 buổi sáng thức giấc ta bỗng thấy google biến mất. Tôi không muốn phải từ bỏ Gmail để trở lại dùng Yahoo Mail cồng kềnh và lúc nào cũng đính kèm quảng cáo cuối mỗi email. Tôi cũng không muốn mất các bookmark mình đã lưu trên máy chủ Google. Google biến mất đồng nghĩa với việc tất cả các trích đoạn hay mà tôi đọc được khi lướt web và lưu lại trên Google Notebook cũng mất theo. Google Map và hàng loạt các trang dựa trên API [1. Application Programming Interface : Giao diện lập trình ứng dụng] của nó như diadiem.com ngừng hoạt động và như vậy bạn sẽ rất khó khăn để xác định 1 địa chỉ ở khu vực nào trên bản đồ.

Tóm lại, Google là 1 phần của cuộc sống và chúng ta không thể sống thiếu nó, ít nhất là cho đến khi có 1 dịch vụ khả dĩ thay thế được nó.

Điều gì tạo nên thành công của Google?

Công nghệ

Cái này thì khỏi phải bàn. Hữu xạ tự nhiên hương. Nhờ công nghệ ưu việt, dịch vụ tìm kiếm của Google lúc mới xuất hiện đã không tốn một xu cho quảng cáo. Tất cả là nhờ những lời khen ngợi từ người này sang tai người khác. Phát hiện ra nhược điểm của các công cụ tìm kiếm hồi đó là chỉ tìm số lần 1 từ xuất hiện trên 1 trang web rồi đưa ra kết quả, Google đã phát triển thuật toán PageRank cho phép đánh giá xem trang nào là phù hợp nhất với người dùng. Nhờ đó, Google vươn lên thành công cụ có giải thuật tìm kiếm ưu việt nhất và ngồi lỳ trên ngôi số 1 đến tận hôm nay.

Ngoài phát minh PageRank, người ta cần ghi nhận đóng góp rất lớn của Google trong việc phát minh ra Ajax và ứng dụng nó vào Gmail. Bây giờ hầu hết các ứng dụng web đều sử dụng Ajax để có thể đạt được tốc độ xử lý/ hiển thị nhanh nhất.

Giao diện

Tôi đọc được ở đâu đó rằng bí quyết thành công của Microsoft chỉ nằm gọn trong 3 điểm, đó là: giao diện, giao diện và giao diện. Điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của giao diện đối với thành công của 1 ứng dụng. Google đã tạo được 1 giao diện mà người dùng ưa thích nhưng theo 1 nguyên lý ngược lại với Microsoft, Apple và hầu hết quan điểm design ngày đó: càng đơn giản càng tốt. Giao diện Google dễ nhìn, sạch sẽ, không có những yếu tố thừa. Google là 1 ví dụ ưa thích của tác giả các cuốn sách viết về Web Usability khi họ thường xuyên nêu Google như 1 ví dụ điển hình của phương châm “less is more” [2. Tạm gọi là: càng đơn giản càng tốt].

Tốc độ

Tốc độ xử lý của Google nhanh hơn bất kỳ dịch vụ tương tự nào khác. Điều đó rất quan trọng. Thậm chí Google còn đưa điều đó vào phương châm hoạt động của mình “làm sao để thời gian khách hàng dừng chân tại website của Google càng ít càng tốt”.

Kết

Là 1 công ty có những dịch vụ đi sau thiên hạ, Google vẫn dễ dàng vươn lên vị trí dẫn đầu, đánh bật tất cả những công ty tưởng chừng như bất khả chiến bại trên lĩnh vực bất khả xâm phạm của họ. Liệu các dịch vụ mạng xã hội của VN có học được gì từ họ?

2 thoughts on “Google

  • Tớ nhớ hình như Ajax là do cộng đồng phát triển dần dần khi kết hợp XML với .

    Dùng Google cũng rất có ích, nhưng nó đang dần dần “kiểm soát” máy tính người dùng….dù sao cẩn thận vẫn hơn và đừng phụ thuộc vào nó quá

  • Thanks Duy.
    Tớ cũng chỉ nói là Google “góp công rất lớn” chứ không phải 1 mình 1 ngựa mần ra Ajax.
    Dù sao thì với Gmail, thế giới mới được biết đến Ajax.
    Vì Ajax thực chất là sự kết hợp của những thứ đã có sẵn nên người ta ko dám nói Google phát minh ra Ajax, nhưng không ai chỉ ra được 1 ứng dụng Ajax trước Google cả.
    Đành rằng dùng nhiều thì sẽ phụ thuộc vào nó, nhưng tớ thích cái sự phụ thuộc này 🙂

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *